Màn hình IPS và TN trên laptop, màn hình máy tính khác nhau như thế nào? Ưu nhược điểm và cách nhận biết
Có mấy loại màn hình cho laptop
Hiện nay, trên thị trường màn hình laptop được phân chia làm 2 loại tương ứng với 2 công nghệ khác nhau là IPS và TN. Mỗi loại trong số đó đều có những nét đặc trưng riêng biệt.
Màn hình TN (Twisted Nematic), đây là màn hình sử dụng cấu trúc tinh thể và đã xuất hiện mặt trên thị trường từ khá lâu. Với giá thành sản xuất rẻ nên màn hình TN từng rất phổ biến và được trang bị trên nhiều thiết bị điện tử như máy tính xách tay hay thậm chí là tivi.
IPS (In-plane Switching) là một công nghệ hình ảnh được áp dụng trên các màn hình LCD được phát triển để khắc phục các nhược điểm của công nghệ màn hình cũ TN.
Màn hình IPS bao gồm những thành phần đặc trưng của LCD, tuy nhiên điểm khác biệt của màn hình này là các lớp tinh thể lỏng giờ đây được xếp theo hàng ngang song song với 2 lớp kính phân cực ở trên và dưới thay vì vuông góc. Sự thay đổi này làm giảm lượng ánh sáng tán xạ, cung cấp góc nhìn rộng và tái tạo màu sắc tốt hơn.
Ưu, nhược điểm của màn hình IPS và TN
Tuy màn hình TN đã xuất hiện từ khá lâu và có vẻ như đã lạc hậu, tuy nhiên loại màn hình này vẫn có những ưu điểm đáng giá mà màn hình IPS vẫn chưa đáp ứng được.
Điển hình nhất là tốc độ phản hồi rất nhanh, có thể đạt 1 ms và được xem là nhanh hơn nhiều với những chiếc màn hình IPS cao cấp hiện nay. Ngoài ra, màn hình TN còn cho phép hiển thị hình ảnh với tần số quét cao, có thể lên đến 240 Hz, một con số không tưởng so với công nghệ màn hình IPS hiện nay.
Tuy được cải tiến mỗi năm, nhưng nhược điểm lớn nhất trên màn hình TN vẫn là góc nhìn hẹp, tức là hình ảnh sẽ bị biến sắc, trở nên nhạt và khó thấy hơn nếu như người dùng không nhìn theo hướng trực diện.
Trong khi đó, màn hình IPS nói chung cho góc nhìn rộng và khả năng đảm bảo màu sắc rất tốt cho dù thay đổi hướng nhìn. Ngoài ra, với cấu trúc tinh thể lỏng cũng giúp cho màn hình IPS trở nên bền, có tuổi thọ cao và khả năng giữ màu tốt hơn so với các loại khác, đặc biệt là không gặp phải hiện tượng lóe sáng hay cháy hình khi chạm tay vào.
Nhược điểm được xem lớn nhất trên màn hình IPS là giá thành sản xuất khá cao và tốn năng lượng hơn 15% so với màn hình TN.
Bảng tóm tắt ưu nhược điểm màn hình IPS và TN:
Màn hình IPS | Màn hình TN | |
Ưu điểm |
- Hình ảnh đẹp, màu sắc rõ nét. - Góc nhìn rộng. - Độ sáng, độ tương phản cao. - Không hiện sáng khi chạm vào. - Tuổi thọ cao. |
- Giá tiền sản xuất thấp. - Thời gian đáp ứng thấp, rất phù hợp cho game thủ. - Tiết kiệm điện. |
Nhược điểm |
- Giá tiền sản xuất cao. - Tiêu hao điện nhiều hơn so với TN. |
- Góc nhìn hẹp hơn so với IPS. - Màu sắc nếu nhìn góc nghiêng mờ và nhạt. |
Cách nhận biết laptop dùng màn hình IPS hay TN
Dựa vào các ưu, nhược điểm được liệt kê ở trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết đâu là laptop dùng màn hình IPS, đâu là laptop dùng màn hình TN.
Cách nhận diện chính xác nhất là góc nhìn, nếu bạn nhìn vào một chiếc màn hình và thay đổi góc nhìn từ trái sang phải, trên xuống dưới mà vẫn không có thay đổi gì nhiều về độ nét, màu sắc thì đó thực sự là thiết bị dùng màn hình IPS. Ngược lại, nếu màu sắc biến đổi, hình ảnh trở nên nhòe hơn, nhạt hơn khi thay đổi góc nhìn thì đích thực đó là màn hình TN.
Ngoài ra, bạn còn có thể áp dụng một số thủ thuật nhận biết phụ để có một kết quả phân biệt chắc chắn hơn như: Nếu thiết bị của bạn có tình trạng hở sáng (ánh sáng phát ra từ các góc hở trên thiết bị) thì đó là màn hình IPS, hoặc nếu chạm vào màn hình mà có hiện tượng cháy sáng thì đó là màn hình TN, còn màn hình IPS chỉ có tình trạng biến đổi nhẹ màu sắc.
Nên chọn IPS hay TN?
Nếu như có đầy đủ điều kiện về tài chính thì khi mua laptop hoặc màn hình ngoài cho máy tính bàn, bạn nên chọn tiêu chuẩn màn hình IPS vì công nghệ này cho ưu điểm cao về màu sắc, độ nét và góc nhìn rộng. Thích hợp cho các bạn chuyên về đồ họa, giải trí nhiều.
Còn nếu như không đặt nặng về vấn đề chất lượng hiển thị, tối ưu giá thành thì màn hình TN là một lựa chọn tối ưu hơn về kinh tế. Công nghệ màn hình này khá thích hợp cho các bạn chuyên game, yêu cầu tần số quét và độ phản hồi cao.