Cơ bản về SSD: PCI-Express, M.2, mSATA và SATA Express khác nhau ra sao?
Hiện nay SSD đã trở nên phổ biến ở các máy tính bàn cũng như các laptop chơi game. Dung lượng ngày càng tăng và giá cả càng giảm cộng với nhiều ưu điểm về tốc độ, SSD đang dần thay thế các ổ cứng cơ truyền thống. Cổng kết nối vật lý (physical connector) là nơi giao tiếp giữa SSD và bo mạch chủ hay laptop trong khi giao thức dữ liệu (data protocol) là giao thức sẽ được SSD sử dụng để giao tiếp với bo mạch chủ hay laptop.
Nói cho dài dòng vậy thôi nhưng tựu chung lại thì chúng tôi lưu ý cho các bạn 2 điểm trong thị trường SSD: đầu tiên là giao thức chuyển từ SATA sang PCI Express và cách dữ liệu truyền đi như thế nào là chuyện bạn không thể thấy bằng mắt thường.
Thứ hai, sự thay đổi về cổng kết nối vật lý. Thay vì sử dụng đầu kết nối SATA thông thường, bây giờ chúng ta đã có khá nhiều loại cổng kết nối với những ưu điểm riêng.
Điểm nhận thấy (cổng kết nối) và điểm mù (giao thức truyền dữ liệu) sẽ khiến những người thiếu kinh nghiệm về SSD bị rối. Hãy xem qua bài hướng dẫn của chúng tôi dưới đây để các bạn có thể thấy những điểm khác biệt về các loại SSD hiện nay.
SSD giao tiếp SATA
Trong suy nghĩ của khá nhiều người thì đây mới chính là SSD thực sự. Rất dễ nhận biết các SSD dạng này thông qua kích cỡ 2.5 inch và dung lượng đang dần lên tới 1TB, tuy nhiên với tốc độ phát triển SSD như bây giờ thì dung lượng SSD sẽ dần tăng lên hơn 1TB. Cổng kết nối và giao thức truyền dữ liệu theo chuẩn SATA III cho phép SSD có tốc độ tối đa trên lý thuyết là 6Gb/s (tương đương với khoảng 550MB/s) và nó tương thích hoàn toàn với các bo mạch chủ và các laptop chơi game hiện nay. Chỉ có các loại Ultrabook như dòng ASUS Zenbook là sử dụng SSD có kích cỡ nhỏ hơn để phù hợp với thiết kế của máy nhưng vẫn giữ nguyên tốc độ truyền tải dữ liệu.
SSD giao tiếp PCI Express
Được thiết kế để tận dụng băng thông của cổng PCI Express, SSD dạng này gần như chỉ được sử dụng trên các hệ thống máy bàn. Thông thường, chúng cần sử dụng băng thông của cổng PCIe 2x hoặc 4x, tuy nhiên với các hệ thống máy chủ hay máy bàn chuyên nghiệp thì SSD PCI Express nó còn sử dụng tới cổng 8x.
Điểm gây ấn tượng của SSD PCI Express là nó phá vỡ ranh giới 550MB/s của chuẩn SATA III ví dụ như với SSD ROG RAIDR Express có tốc độ truyền tải dữ liệu lên đến 780MB/s.
ASUS ROG RAIDR - Một trong những SSD PCI Express điển hình.
SSD giao tiếp mSATA
Giao tiếp mSATA (mini SATA) chỉ mới xuất hiện trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây (thời điểm ra mắt dòng bo mạch chủ Maximus V). Các SSD mSATA đều tuân theo các quy định của chuẩn SATA III thông thường và chúng giống như thiết bị mini PCI Express vậy nhưng 2 cổng kết nối đó không tương thích lẫn nhau. mSATA đang dần bị thay thế bởi chuẩn M.2 mới hơn.
Cổng mSATA nằm trên card mPCIe Combo của các bo mạch chủ thuộc dòng Maximus V.
SATA Express
Chuẩn giao tiếp ổ cứng mới SATA Express được thiết kế dành cho máy bàn và có tốc độ truyền tải dữ liệu trên lý thuyết tới 10Gb/s (nhanh hơn 40% so với SATA III 6Gb/s). Chuẩn SATA mới này dùng đến 3 cáp dữ liệu trong đó có 2 cáp SATA truyền thống và 1 cáp SATA mới dành riêng mà chúng ta đã được thấy ở bo mạch chủ ASUS Z87 Deluxe/SATA Express, ngoài ra nó cũng có khả năng tương thích ngược với các SSD chuẩn SATA III khi đó các bạn chỉ cần kết nối các SSD đó với cổng SATA III thông qua cáp SATA thông thường là được.
Vì thế với 1 cổng SATA Express, các bạn có thể cắm tối đa 1 ổ cứng SSD chuẩn SATA Express hoặc 2 ổ SSD chuẩn SATA III.
2 cổng SATA Express trên bo mạch chủ ASUS Z87 Deluxe/SATA Express
Giao tiếp kết nối M.2 (NGFF)
Được biết đến với tên viết tắt là NGFF (Next generation form factor), M.2 hiện tại đang là chuẩn kết nối chính chuẩn cho các SSD di động (mobile SSD). Cổng M.2 này có thể dùng được cho cả SSD giao tiếp PCIe lẫn SATA nhưng thường là chỉ cho SSD giao tiếp PCIe mà thôi. Điều này rất quan trọng vì như chúng tôi đã giải thích trước đó, giao thức SATA và PCIe là không tương thích lẫn nhau được. Cách duy nhất để xác định khả năng tương thích giữa bo mạch chủ có cổng M.2 của bạn và SSD M.2 là đọc kỹ thông số nhà sản xuất: nếu trong đó có ghi PCI Express to PCI Express hay SATA to SATA thì ổn rồi đó!
Với sự ra mắt của các bo mạch chủ 9 series, trang chủ của ROG cũng như diễn đàn ASUS sẽ liên tục cập nhật danh sách số lượng giao thức M.2 được hỗ trợ trên các bo mạch chủ dòng phổ thông, ROG và TUF.
SSD M.2 của hãng Micron.
SSD M.2 SATA
SSD M.2 SATA có tốc độ truyền tải dữ liệu đúng chuẩn SATA III trên lý thuyết (6Gb/s) tương tự như các SSD SATA khác.
SSD M.2 PCI Express
Trong khi chuẩn M.2 PCI Express sử dụng chung giao thức PCI Express như SATA Express, nó loại luôn từ "SATA" để tránh nhầm lẫn. M.2 PCI Express được xem như là giao tiếp chuẩn mực cho các đối tượng người dùng chuyên nghiệp trong năm 2014 với kết cấu nhỏ gọn và tốc độ truyền tải 10Gb/s trên lý thuyết.
Xem thêm: