Như vậy, cả năm tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam đi quốc tế đều bị ảnh hưởng toàn bộ hoặc một phần. Trước đó, hai tuyến AAG và APG đã mất toàn bộ dung lượng, hai tuyến IA và AAE-1 chỉ còn một phần hoạt động.
Mặc dù cả năm tuyến đều không nguyên vẹn, các nhà mạng cho biết vấn đề mới với SMW-3 không ảnh hưởng quá nhiều. "Việc này không tác động đến chất lượng Internet do đây là tuyến cũ, sắp dừng hoạt động và chúng tôi không sử dụng dung lượng của tuyến này cho các dịch vụ Internet băng rộng cố định", đại diện VNPT cho biết.
Loạt sự cố xảy ra trong thời gian ngắn đặt câu hỏi về khả năng đáp ứng của các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam. Tại cuộc họp với với nhà mạng hôm 9/2, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu áp dụng những biện pháp kỹ thuật, mở thêm dung lượng trên đất liền và chia sẻ dung lượng đi quốc tế để đảm bảo kết nối ổn định, không bị nghẽn. Dung lượng đường truyền sẵn có phải cao hơn ít nhất 10% so với nhu cầu sử dụng của người dùng.
Ngày 18/2, VNPT cho biết đã bổ sung 30% dung lượng băng thông quốc tế từ các tuyến cáp đất liền. Nhà mạng này khẳng định việc truy cập Internet quốc tế của người dùng "cơ bản được đảm bảo". Viettel cũng khẳng định sẽ mua thêm dung lượng để đáp ứng khuyến nghị từ Bộ.
Việt Nam hiện kết nối với năm tuyến cáp quang biển gồm AAG, APG, AAE-1, IA và SMW-3. Đến cuối năm nay, VNPT sẽ khai thác thêm tuyến mới là SJC2, trong khi Viettel khai thác tuyến ADC, nâng dung lượng khả dụng lên gấp ba lần hiện nay. Kế hoạch đến 2025, Việt Nam dự kiến có 10 tuyến cáp quang biển, trong đó ba tuyến do doanh nghiệp trong nước làm chủ.